Giáp sang Mỹ được hai năm.
Giáp đi một mình vì vợ bỏ sau lần thăm nuôi đầu tiên. Giáp nghĩ thật chính xác, nếu muốn có chút đỉnh tiền dưỡng già cuộc đời ở Việt Nam, không gì bằng cố đi làm và tiết kiệm.
Giáp thuê phòng ở chung với gia đình người bạn. Chiếc xe truck có mui với ổ khóa chắc chắn, chứa một máy cắt cỏ, một máy tỉa cành cây và một máy thổi hơi cầm tay. Giá tất cả ba cái máy khoảng một trăm Mỹ kim, sau mấy lần chọn lựa ở chợ trời. Hôm ra nghề, Giáp đến gõ cửa nhiều nhà có sân cỏ trên con đường kéo dài chừng hai miles. Kết quả thật không ngờ, ba nhà Mỹ trắng, một nhà thờ Tin Lành, hai nhà người Ý và một của bà Việt Nam.
Hợp đồng hai tuần cắt cỏ một lần, Giáp sắp xếp lịch trình xen kẽ nên tuần nào cũng có việc làm, thay vì tập thể dục như những người bản xứ dắt chó, hoặc mang mắt kiếng chạy bộ bên lề đường, mồ hôi nhễ nhại.
Muốn giữ chữ tín để làm ăn lâu dài, Giáp điều chỉnh độ cao, đẩy xe với tốc độ vừa phải, cắt tỉa và hốt sạch cỏ chung quanh, nên chủ nhà nào cũng hài lòng với sân trước vườn sau thoáng đẹp.
Trung bình mỗi tháng Giáp kiếm được ba trăm đồng về công việc cắt cỏ, đủ trả tiền phòng và thực phẩm. Riêng tiền lương làm hãng thì để dành.
Lần đầu tiên đến cắt cỏ nhà người đàn bà Việt Nam, Giáp được biết sơ qua lý lịch: Võ Thúy Phượng, khoảng 40 tuổi, sống với người con trai đang học Dược. Khi người chồng ở California bảo lãnh 2 mẹ con bà sang Mỹ thì ổng liền đề nghị chia tay ngay tại sân bay Los Angeles, vì ổng lỡ có 2 đứa con khác với bà vợ kế. Bà đồng ý chia tay, và từ chối nhận số tiền “bán chồng”.
Bà Phượng sang tiểu bang này, theo lời hướng dẫn của một người thân. Bà làm việc tất bật, xong việc hãng, bà chui vào nhà hàng rửa chén, cố làm ra tiền để nuôi thằng con trai ăn học...
Hôm đầu tiên đến cắt cỏ, nhìn thấy Phượng có nhan sắc, rực rỡ lúc “hoàng hôn”, Giáp lại xúc động, tình nguyện làm giúp Phượng những việc như cắt tỉa sửa lại vài nhánh cây, chậu bông, hàng rào. Giáp cũng được bù đắp những thức ăn tuyệt vời, nào chả giò, phở, nào bún bò Huế do chính tay Phượng nấu. Phượng và Tuấn, con trai của Phượng, dành cho Giáp những tình cảm đặc biệt .
Thế rồi, một chuyện xảy đến ngoài sự mơ ước của Giáp, sau khi cùng Phượng lái xe đưa Tuấn ra sân bay về thăm ông bà ngoại ở Việt Nam nhân lúc nghỉ hè, Phượng kề tai nói nhỏ với Giáp:
“Anh đưa XE anh vào GARAGE của em đi!”
Những cơn mưa đổ xuống hai vùng đất hạn hán từ lâu, những điếu thơm lừng của người cai thuốc hút trở lại, trời đất bị bỏ bơ vơ. Đêm ấy, Giáp đánh thức Phượng nhiều lần, mà lần nào cũng hấp tấp vụng về, như lúc đưa xe TRUCK vào GARAGE tương đối nhỏ hẹp nhà Phượng.
Giáp siêng năng kỳ lạ, không như hợp đồng lúc ban đầu là hai tuần cắt cỏ một lần, Giáp lại cắt hàng tuần, có khi mỗi tuần cắt hai ba bận.
Thế rồi, tuần trước, Giáp nhận được thư của Phượng để trên bàn trước khi đi làm:
Kansas City, ngày...
Anh Giáp quý mến!
Phượng suy nghĩ nhiều lần mới viết thư này. Anh và Phượng đều xấp xỉ ngũ tuần rồi. Vả lại, anh thấy đó, em làm hai job... chúng ta nên giữ hợp đồng hai tuần “cắt cỏ” một lần, khỏe thì thỉnh thoảng một tuần một lần thôi. Tuần rồi anh “tỉa” tới ba lần, cỏ nào mọc cho kịp để anh cắt? Phượng mong anh coi lại cái máy cắt cỏ, nó quá cũ vì mua ở chợ trời. Em nói ít, mong anh hiểu nhiều, anh nhé!
Phượng.
Giáp bật lửa châm thuốc, nhả những vòng khói tròn lung linh đuổi nhau bay lên trần. Người bạn chủ nhà bước ra nhìn thấy Giáp, ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, tối nay cuối tuần không cắt cỏ cho bà Phượng sao?
Giáp hớp một ngụm cà phê rồi đáp:
- Bả nói cỏ mọc không kịp cho tao cắt.
Nghe trả lời vậy, người bạn đưa hai tay lên trời:
- Thầy chạy ông rồi!
(Của thiên “hạ”, không phải của thiên “lôi”)