Làm học sinh sợ đến trường,
một giáo viên phải quỳ gối xin lỗi
(NLĐO) - Cô giáo bắt các học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học làm nhiều em sợ không dám đến trường. Phụ huynh đến trường bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi.
Ngày 5-3, 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Long An cho biết đang xác minh vụ cô giáo bị buộc phải quỳ gối đề xin lỗi phụ huynh, xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức.
Trước đó, trong lúc giảng dạy có một số học sinh vi phạm nội quy đã bị cô B.T.T.N - giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh - phạt bằng hình thức bắt quỳ gối. Ngày 28-2, có 4 phụ huynh có con bị phạt đã đến trường lớn tiếng trách móc cách hành xử của cô N. Cô N. đã nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy vậy, 1 phụ huynh trong số đó đã không đồng ý. Trước áp lực của phụ huynh, cô giáo này đã bảo mình sẽ quỳ gối để nhận lỗi với thời gian 40 phút.
"Chúng tôi thật bàng hoàng"
Sáng 5-3, tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều giáo viên rất bức xúc trước cách cư xử của các phụ huynh này. Theo đó, dù lúc đó có cả hiệu trưởng xuống can thiệp và hứa sẽ xử lý vụ việc nhưng 4 phụ huynh vẫn gây áp lực. Cuối cùng cô N. đã phải quỳ xin lỗi trước sự chứng kiến của một số giáo viên khác. Nhiều giáo viên chán nản nói: "Chúng tôi thật bàng hoàng và xấu hổ khi biết đồng nghiệp của mình phải quỳ đúng 40 phút mới được phụ huynh đồng ý. Hình ảnh cô giáo trẻ nhiệt huyết với nghề, mới sinh con không lâu, đã bị phụ huynh làm ảnh hưởng tâm lý rất nghiêm trọng qua vụ này".
Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc ( ảnh: CTV)
Một giáo viên của trường kể: "Ngày 28-2, có 4 phụ huynh tới trường lớn tiếng phản ánh cách giáo dục của cô N. vượt quá chuẩn mực sư phạm là phạt học trò quỳ gối tập thể vì nhiều học sinh không làm bài, không thuộc bài và nói chuyện trong giờ học. Có một số học sinh không vi phạm nhưng do phạt tập thể nên phải quỳ gối luôn. Khi biết mình sai, cô đã nhận lỗi và hứa khắc phục sai sót. Dù vậy, phụ huynh vẫn không đồng tình.
Bị sức ép, cô N. nói: "Vậy tôi sẽ quỳ tại đây". Lúc này, Hiệu trưởng Huỳnh Công Sơn đại diện trường xin lỗi phụ huynh, đồng thời hứa sẽ có biện pháp xử lý đối với cô giáo. Ông nói: "Thôi cô không được quỳ" rồi rời khỏi phòng. Tuy nhiên, do bị các phụ huynh làm áp lực, cô N. phải quỳ trước mặt 4 phụ huynh, có sự chứng kiến của một số giáo viên của trường. "Do áp lực của chính phụ huynh buộc cô phải quỳ cho họ vừa lòng" - một giáo viên bất mãn nói.
"Chúng tôi không bỏ qua"
Sáng 5-3, ông Phạm Hữu Vốn, chủ tịch Hội Phụ huynh học sinh trường, cho biết người buộc cô giáo phải quỳ suốt 40 phút là ông Võ Hòa Thuận, thư ký Hội Luật gia của một huyện thuộc tỉnh Long An. Trước đây ông Thuận là cán bộ tư pháp của một xã thuộc huyện Thủ Thừa và là đảng viên sinh hoạt chi bộ ấp.
Ông Vốn thuật lại: "Bữa đó có tôi, hiệu trưởng cũng lập biên bản sự việc nhưng sau đó họ không ký. Chính tôi nhận khuyết điểm thay cho cô N. nhưng phụ huynh không đồng ý. Họ thật là quá đáng! Giáo viên phạt học sinh là bình thường. Đánh khẻ tay học sinh mới dạy nó nên người. Quan điểm của tôi là làm như thế tổn thương cô giáo rất nhiều. Bây giờ vô lớp làm sao cô dạy được. Cô này còn trẻ tuổi, mới sinh con không lâu.
Tôi đã xin ông Thuận để cô N. khắc phục nhưng ông Thuận không nói gì. Nếu bắt cô quỳ vậy có chuyện gì thì sao. Tôi kêu ông Thuận nói là một chút thấy cô quỳ phải đỡ cô lên. Làm vậy tội lắm. Vậy mà ông Thuận kêu phải quỳ đúng 40 phút mới chịu. Vậy mà ổng về nhà còn ca ngợi là đụng tới con ổng là phải vậy. Ổng là thư ký hội luật gia mà làm vậy. Lúc bắt cô giáo quỳ ông Thuận còn nói là:"Tôi thấy mặt cô là tôi không ưa rồi đó". Ông Thuận là người biết luật mà làm vậy thì sao. Tôi không bỏ vụ này này đâu. Ông này cố ý làm nhục người khác rõ ràng".
Chiều 5-3, ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, xác nhận từ thông tin đăng trên Người Lao Động Online, UBND huyện đã yêu cầu Phòng GD-ĐT và UBND xã Nhựt Chánh báo cáo toàn bộ sự việc liên quan đến trường hợp của cô B.T.T.N, giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh về thường trực để nắm diễn biến.
"Trưa nay, 5-3, UBND huyện tổ chức cuộc họp nghe phản ánh vấn đề này, ngay sau đó, UBND huyện chỉ đạo thành lập tổ thanh tra để kiểm tra, xác minh làm rõ các hành vi liên quan đến học sinh bị bắt quỳ gối và cô giáo quỳ gối để xin lỗi phụ huynh. Trên cơ sở đó, có biện pháp giải quyết cụ thể"- ông Tươi thông tin.
Theo chủ tịch UBND huyện, bí thư huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy xã Nhựt Chánh kiểm tra việc đảng viên Võ Hòa Thuận, hiện đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp 6, xã Nhựt Chánh là một trong những người làm áp lực với cô N.
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GĐ-ĐT Long An, hứa sẽ họp và bàn biện pháp để việc giáo dục được tốt hơn, nhất là đối với cấp tiểu học. Ngoài ra, ông Tiệp đề nghị cơ quan chức năng quan tâm làm rõ trách nhiệm của ban giám hiệu trường, của bảo vệ khi không can thiệp kịp thời, để gây ra tình trạng mất trật tự, an ninh tại trường học.
Chiều cùng ngày, khi đến Trường Tiểu học Bình Chánh gặp một số phụ huynh chờ đón con tan học, chị Nguyễn Thu Hiền (39 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nhựt Chánh) xác nhận tin cô giáo của trường bị áp lực phải quỳ gối xin lỗi giờ ai cũng biết. Sáng nay cô N. tới trường nhưng chạy xe rất nhanh không dám đi chậm như những ngày trước đây. Có thể cô mặc cảm vì vụ việc vừa rồi.
Một cán bộ UBND xã Nhựt Chánh thông tin thêm xã năm nay đang phấn đấu đạt xã Nông thôn mới, nhiều tiêu chí cơ bản đã hoàn thành, nếu "dính" vụ này mà ở trường có giáo viên bị kỷ luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu chung của địa phương.
Để tìm hiểu thêm những người trong cuộc, phóng viên đã liên hệ với thầy hiệu trưởng và cô N. bằng nhiều cách nhưng không được.
Có dấu hiệu làm nhục người khác
Từ vụ việc cô giáo bị xúc phạm, luật sư Nguyễn Tri Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, phân tích: "Vụ việc có dấu hiệu làm nhục người khác. Vụ này cần xác minh làm rõ là ông Thuận có bắt cô giáo quỳ 40 phút hay không hay cô giáo tự nguyện quỳ. Nếu ông Thuận buộc phải quỳ trước mặt nhiều người khác và về nhà rêu rao như lời ông Vốn nói thì đã có dấu hiệu làm nhục người khác cần xử lý. Còn nếu không đủ dấu hiệu xử lý hình sự thì ít nhất cần xử lý hành chính hoặc cô giáo có thể khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông Thuận xin lỗi hoặc bồi thường tổn thất tinh thần. Nói gì đi chăng nữa thì cô giáo có phạt học sinh cũng là chuyện dạy dỗ; còn nếu phụ huynh thấy hình thức phạt nặng thì cũng nên nói giáo viên phạt nhẹ hơn nhưng vẫn phải thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo".
LỜI BÀN CỦA DODUYNGOC
LỜI BÀN CỦA DODUYNGOC
Thời tui đi học, ở bậc Tiểu học bị Thầy Cô cho đòn roi, quỳ gối là chuyện thường tình. Lên đến bậc Trung học chuyện bị Thầy Cô phạt cũng là chuyện bình thường, chẳng có chi quan trọng. Tui nhớ năm học lớp đệ nhị, lớn tồng ngồng rồi mà trong lớp có Thầy dạy Pháp văn chửi anh bạn tui không biết giấu mặt vào đâu cho bớt mắc cỡ. Nhưng ngày xưa Thầy Cô đánh hay phạt học sinh thường là do học sinh ngỗ nghịch, tiếp thu bài vở kém, không chuẩn bị bài, không vâng lời Thầy Cô. Tuyệt nhiên không bao giờ có xen tình cảm cá nhân, hay thù hận trong chuyện đòn roi ấy. Cũng không bao giờ vì không có quà hay không tham gia học thêm các lớp của Thầy Cô mà bị phạt bao giờ. Vì lý do đơn giản là thời ấy không có chuyện Thầy Cô đòi quà và bắt phải học thêm để tăng thu nhập. Và cả phụ huynh và xã hội thời bấy giờ chấp nhận con cái đi học là phải chịu sự rèn giũa và trừng phạt của Thầy Cô. Bị phạt, về nhà không dám mở miệng, bởi nếu bố mẹ biết lại bị thêm đòn.
Giáo dục ngày nay không còn lề lối như cũ và bảo phải tôn trọng nhân cách học sinh, cho nên cảnh phạt đòn roi trong nhà trường không còn nữa. Tui không phản bác điều này. Tuy nhiên, phải nghiêm khắc trong giáo dục, nhất là tuổi trẻ con, để cho học sinh phải biết nghe lời của Thầy Cô giáo, có như thế mới dạy được học sinh. Và đó là trách nhiệm của những người làm giáo dục.
Một cô giáo trẻ vì bắt học trò quỳ gối mà phải quỳ gối y như vậy để xin lỗi phụ huynh thì tui nghĩ sau phút đó, cô giáo làm sao tiếp tục dạy dỗ học trò? Sự băng hoại và suy đồi của một nền giáo dục hiện rõ nơi hành động ấy.
Đọc tin, thấy phẫn nộ. Đầu tiên là giận những người phụ huynh học sinh, họ không còn sự tôn trọng những người đang dạy dỗ con mình, cố dồn Cô giáo vào chân tường để thị uy, để bõ tức, để cho thấy quyền lực của họ. Họ nghĩ ràng họ bỏ đồng tiền để đóng học phí là họ có quyền bắt kẻ khác phải ngoan ngoãn nghe lời mình. Họ xem tiền cao hơn nhân phẩm của một con người. Nhưng họ không nghĩ rằng họ đang làm một hành động xấu xa để cho con họ noi theo. Kể từ đó, những cậu học trò kia trở thành đám kiêu binh chẳng còn biết sợ ai, nể ai trong lớp học. Lớn lên, ra đời, chúng chỉ là một lũ mất dạy dù có mang trong mình biết bao bằng cấp, biết bao học hàm, học vị, biết bao quyền cao, chức trọng.
Lại vừa bực với người hiệu trưởng. Là người có chức vụ lớn nhất trong nhà trường, người hiệu trưởng phải có trách nhiệm bảo vệ, tranh đấu cho nhân viên của mình, không thể để phụ huynh làm nhục cô giáo trong nhà trường của mình được. Thế mà ở đây, hiệu trưởng đứng nhìn cô giáo của trường mình quỳ gối. Một sự bất lực hèn hạ.
Và cuối cùng, vừa giận mà cũng vừa thương cho cô giáo. Giận vì cô ấy quá bạc nhược, quá hèn khi hành động như vậy. Hành động đó không xứng đáng tư cách của một nhà giáo, một người đang đứng trên bục giảng. Mai này cô làm sao tiếp tục dạy học, làm sao để răn dạy các em.
Nhưng rồi, nghĩ lại cũng thương cho cô ấy. Cũng vì chén cơm manh áo mà chịu nhục. Chắc cô ấy cũng đau đớn, cũng tủi hổ lắm khi quỳ gối xin lỗi. Cũng nhận biết nhân phẩm của mình đang bị chà đạp. Nhưng phận hèn, biết làm sao hơn. Để được có chỗ dạy, chắc cũng phải tốn kém không ít, và giữ để được tiếp tục đứng lớp, cũng không phải là điều dễ dàng. Thôi thì đành cắn răng mà chịu nhục vậy. Đau lắm chứ! Tủi lắm chứ. Nhưng đành lòng làm vừa lòng mọi người để cuối tháng có được đồng lương.
Và nếu lên án chăng là lên án cái xã hội đốn mạt này, cái nền giáo dục quái thai, quái dị này. Nó chính là thủ phạm của những trò kỳ quặc, xấu xa, trơ trẽn, vô lý, băng hoại diễn ra hàng ngày dưới mái trường. Chốn học đường không còn lễ nghĩa, chẳng còn đạo lý, cũng chẳng còn tôn ti trật tự. Tình nghĩa Thầy trò quy thành tiền bạc, quà cáp, tiền trao cháo múc. Sòng phẳng một cách tàn nhẫn.
Nó trở thành cái chợ chữ, nơi đó người ta bỏ đồng tiền ra để mua cái chữ. Do vậy, kẻ bán, người mua chẳng còn chút gì để tôn trọng nhau. Chỉ là anh mua và tôi bán, thế thôi.
Kiểu giáo dục ấy đưa những đứa trẻ đi đến đâu? Hậu quả đã nhìn thấy trước mắt.
Một nền giáo dục phản giáo dục sẽ đào tạo những thế hệ vô giáo dục. Đó là lẽ đương nhiên.
5.3.2018
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment